21 thg 6, 2014

Chương 4: SEO Website - Các vấn đề thiết yếu trong việc phát triển trang web

Bài viết đề cập đến cách SEO Website và các vấn đề thiết yếu trong việc xây dựng và phát triển trang web thân thiện với công cụ tìm kiếm. Nội dung quan trọng nhất trong phần này sẽ là cách bạn trình bày một bài viết được tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm, từ cách chèn từ khóa trong tiêu đề bài viết, đặt tên URL, thẻ Meta Description,... Giờ, chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết nội dung cơ bản trong giáo trình SEO của Moz.com.

I. CÁCH CÔNG CỤ TÌM KIẾM NHÌN MỘT TRANG WEB KHÁC CÁCH CHÚNG TA NHÌN

- Các công cụ tìm kiếm (SE) bị hạn chế trong cách chúng thu thập dữ liệu trang web và giới hạn trong khả năng giải nghĩa các nội dung. Chúng không thấy một trang web đẹp như hình trên, mà chúng chỉ thấy:

1. NỘI DUNG CÓ THỂ LẬP CHỈ MỤC

- SE quan trọng nhất là nội dung và nội dung nên được trình bày trong định dạng HTML  

A. VẤN ĐỀ

 - Hình ảnh, flash, các ứng dụng Java thường bị các công cụ tìm kiếm lờ đi hoặc giảm bớt giá trị của chúng.

B. CÁCH GIẢI QUYẾT

- Hình ảnh ( đuôi .gif, .jpg, .png,…) có thẻ Alt để cung cấp cho SE một đoạn mô tả để chúng có thể biết được hình ảnh đó đề cập tới nội dung gì.
- Các hộp tìm kiếm có thể được bổ sung với điều hướng và liên kết có thể thu thập dữ liệu.

- Flash và các trình cắm Java ( Java Plugin) chứa các nội dung có thể được bổ sung bằng văn bản trên trang web.

- Video và âm thanh nên có một bản ghi đi kèm nếu các từ và cụm từ có nghĩa để được lập chỉ mục bởi các công cụ tìm kiếm.

II. CẤU TRÚC LIÊN KẾT CÓ THỂ THU THẬP DỮ LIỆU

- SE cần xem nội dung trang web của bạn theo thứ tự các từ khóa quan trọng sử dụng trên các trang, trong đó từ khóa là nền móng cơ bản.
- SE cũng duyệt các liên kết theo trình tự để tìm kiếm nội dung trên trang web.
Cấu trúc liên kết có thể thu thập dữ liệu
- Là cấu trúc cho phép nhện tìm kiếm lướt nhanh qua từng ngóc ngách của trang web
- Là yếu tố sống còn trong trình tự tìm kiếm tất cả các trang trên website của bạn
- Hàng ngàn các trang web đã gặp phải các lỗi nghiêm trọng trong việc xây dựng cấu trúc điều hướng. Ho tiến hành điều hướng nhưng lại khiến các SE không thể thu thập được dữ liệu .


- Trong ví dụ trên, khi nhện tìm kiếm tới trang chủ ( Homepage),chúng tìm được các trang A và E. Tuy nhiên, dù C và D có thể là các trang quan trọng trên trang web của bạn, nhưng nhện tìm kiếm không có cách nào để có thể vươn tới thu thập nội dung trên trang C và D ( hoặc cũng có thể nhện tìm kiếm hoàn toàn không biết về sự tồn tại của trang C và D). Đó là do không có liên kết trực tiếp trỏ tới trang C và D đó. Và dù nội dung của bạn có hay đến mấy, sử dụng từ khóa mục tiêu tốt, tiếp thị thông minh nhưng nội dung đó không tồn tại nếu nhện tìm kiếm với được tới các trang này trong lần đầu chúng tới trang web của bạn.

III. CẤU TRÚC MỘT LIÊN KẾT



- Liên kết có thể sử dụng Neo văn bản như wordpress tutorial hoặc cũng có thể sử dụng neo hình ảnh.
1. CÁC CHÚ Ý

A. MẪU THÔNG TIN BẮT BUỘC

- Nếu bạn yêu cầu người dùng hoàn thành một mẫu thông tin trước khi họ có thể truy cập vào một nội dung trên trang web của bạn. Có khả năng là SE sẽ không bao giờ thấy được các trang được bảo mật. - Mẫu đó có thể là điền thông tin đăng nhập, đăng ký tài khoản mới hoặc hoàn thiện cuộc khảo sát người dùng nào đó ( Survey).
- Trong mỗi trường hợp, thông thường SE sẽ không xâm phạm đến mẫu “Gửi”. Do vậy, bất cứ nội dung hay liên kết trên mẫu, SE đều không thể truy cập được.  

B. JAVASCRIPT

- Nếu bạn sử dụng mã Java script cho liên kết, SE cũng sẽ không thể thu thập được các liên kết nhúng trong mã Java script đó.

C. ROBOT.TXT

Cấu hình tệp tin robot.txt có thể chặn một số trang và SE không thể truy cập tới các trang đã bị chặn bởi robot.txt.

D. LIÊN KẾT TRONG FLASH, JAVA, HOẶC TRÌNH CẮM KHÁC

Liên kết chứa trong thẻ <iframe/> hoặc <frame/>
Về mặt kỹ thuật, các liên kết chứa trong thẻ <iframe/> và <frame/> đều có thể được các SE thu thập. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện khi bạn là người dùng nâng cao với kỹ thuật giỏi và thấu hiểu cách SE lập chỉ mục các liên kết trong Frame. Nếu không, bạn cần tránh xa các thẻ iframe.
SE có thể thu thập nhiều liên kết trên trang nó đến. Nhưng nhiều liên kết không có nghĩa là vô số các liên kết. Các trang có trên 100 liên kết trên trang có thể không được thu thập và lập chỉ mục đầy đủ.
>> Nếu bạn thực hiện và tránh các chú ý trên, Google sẽ lập chỉ mục trang web của bạn một cách dễ dàng.

IV. REL=”NO FOLLOW”

- Rel=”no follow” được sử dụng theo cú pháp:
<a href=”http://vandon.com.vn” rel=”nofollow”> Wordpress tutorial </a>
- Trong ví dụ trên, bằng cách sử dụng thuộc tính Nofollow cho liên kết, chúng ta đã nói với SE rằng trang web của bạn không muốn liên kết này được hiểu theo cách thông thường. Liên kết chứa thuộc tính Nofollow được hiểu theo nghĩa đen và được sử dụng để chỉ thị cho SE không theo liên kết đó (nhưng trong 1 số trường hợp, SE vẫn đi theo các liên kết đó dù bạn đã gắn thuộc tính Nofollow vào liên kết).
- Thẻ Nofollow được sử dụng như 1 phương pháp để giúp chặn các bình luận trên Blog (Blog comment), Guest book hay các liên kết SPAM.
- Liên kết Nofollow không có nhiều giá trị như các liên kết Dofollow trong việc tăng thứ hạng website của bạn.
“Google hẫu như không theo các liên kết Nofollow hoặc làm các liên kết này chuyển Page rank hoặc giá trị các neo văn bản. Về bản chất, việc sử dụng Nofollow gây ra việc dừng các liên kết mục tiêu từ toàn bộ đồ thị của trang web. Liên kết Nofollow không có giá trị nhiều và trông giống như một đoạn văn bản thông thường. Nhiều quản trị web cho rằng bất kỳ các liên kết Nofollow nào từ các trang có DA và PA cao như Wikipedia đều đáng tin”
“Bing cũng không cho các liên kết Nofollow vào biểu đồ trang web của họ”

V. CÁCH SỬ DỤNG CÁC TỪ KHÓA MỤC TIÊU

- Từ khóa là cái gốc của quá trình tìm kiếm và chúng là nền móng trong việc xây dựng các trang web. Khi Google thu thập và lập chỉ mục nội dung các trang trên website, họ lưu lại dấu vết các trang đó bằng từ khóa. Vì vậy, thay vì lưu tất cả 25 tỷ trang web được lưu vào chỉ 1 cơ sở dữ liệu khổng lồ, Google có hàng triệu các CSDL nhỏ hơn. Mỗi CSDL có các cụm từ khóa hoặc các cụm từ riêng biệt. Điều này khiến Google truy cập dữ liệu nhanh hơn trong thời gian một phần của giây. Theo tôi hình dung thì CSDL của họ được bố trí như sau:


- Khi người dùng gõ từ khóa “SEO là gì”. Chúng sẽ đến cơ sở dữ liệu A để lấy ra thông tin các trang đã được sắp xếp với các từ khóa đó và hiển thị chúng ra kết quả tìm kiếm. Do họ có hàng triệu cơ sở với các từ khóa riêng biệt nên Google sẽ xử lý dữ liệu nhanh hơn trong thời gian một phần của giây.

- Rõ ràng, nếu bạn muốn trang của bạn có thể được xếp hạng trong kết quả tìm kiếm cho các từ khóa của bạn.

- Ví dụ bạn chọn từ khóa “học cách làm SEO”, bạn cần chắc chắn từ “học cách làm SEO” là một phần nội dung và xuất hiện trên trang của bạn với một tần suất nhất định. 

1. SỰ THỐNG TRỊ CỦA TỪ KHÓA

- Từ khóa chi phối mục đích tìm kiếm và ảnh hưởng qua lại với SE.

Thêm vào đó, công cụ tìm kiếm dựa trên thứ tự hiển thị từ khóa ( với từ khóa SEO, cụm từ “SEO là gì” sẽ chiếm ưu thế hơn so với cụm từ “học cách làm SEO” do nó được hiển thị ngay đầu câu), chính tả, dấu câu và vốn của các từ khóa cung câp thông tin bổ sung để các SE nhận được các trang đúng và xếp hạng chúng.

Để xếp hạng các trang với một từ khóa, SE đo cách từ khóa đó được sử dụng trên trang để giúp chúng xác định sự liên quan của một tài liệu cụ thể để truy vấn. Một trong những cách tốt nhất để tối ưu hóa một trang để có thể đứng đầu bảng xếp hạng là đảm bảo rằng từ khóa xuất hiện ở phần đầu của tiêu đề, trong đường dẫn tới bài viết, thẻ meta data, và thẻ meta description.

Nói chung các từ khóa riêng biệt bạn chọn sẽ mang đến cơ hội xếp hạng tốt hơn với các từ khóa có độ cạnh tranh thấp hơn.

“Trang web của bạn sẽ có cơ hội xếp hạng cao hơn nếu chúng sử dụng các từ khóa có độ cạnh tranh thấp hơn”

2. LẠM DỤNG TỪ KHÓA


- Kể từ buổi bình minh của lĩnh vực tìm kiếm trên mạng, nhiều người đã lam dụng từ khóa nhằm thao túng các SE. Họ nhồi nhét cá từ khóa vào văn bản, đường dẫn, các thẻ Meta và trong các liên kết. Thật không may, chiến thuật này luôn làm hại trang web của họ.

- Trong những ngày đầu đó, SE coi việc tìm kiếm dựa trên việc sử dụng từ khóa là một tín hiệu quan trọng và phù hợp, bất kể từ khóa đó được sử dụng như thế nào và trong bất kỳ ngữ cảnh nào.

- Đến hôm nay, dù SE không thể đọc và hiểu văn bản theo cách con người hiểu, thì việc sử dụng máy SE để học cho phép họ đến gần hơn với lý tưởng này.

- Cách thực hành tốt nhất là sử dụng từ khóa của ban một cách tự nhiên và có chiến lược rõ ràng. Ví dụ nếu bạn nhắm vào từ khóa “tháp Effel”. Bạn cần tạo ra các bài viết về tháp Effel về thân tháp, lịch sử của tháp, thậm chí có thẻ đề cập đến các khách sạn ở Paris, thành phố có tháp Effel.

- Mặt khác, nếu bạn chỉ đơn giản rắc những từ khóa “tháp Effel” lên một trang có nội dung không thích hợp. Sau đó cố gắng xếp hạng từ khóa “tháp Effel”. Việc đó thực sự khó.

3. MẬT ĐỘ TỪ KHÓA


- Mật độ từ khóa hiểu theo nghĩa đơn giản, ví dụ bạn viết một bài viết sử dụng cụm từ khóa là “cách SEO từ khóa” gồm có 4 từ. Trong bài viết của bạn có 5 lần lặp lại chính xác cụm từ đó. Vậy số lượng từ bạn sử dụng là 4 từ/ cụm từ x 5 lần = 20 từ. Bài viết của bạn có 500 từ. Vậy mật độ từ khóa sẽ là: 20/500x100= 4%.
- Thông thường, bạn cần giữ mật độ từ khóa quanh mức 3%, nghĩa là bạn sẽ sử dụng tối đa 3*500/100=15 từ. Vậy bạn có thể lặp lại cụm từ trên 3 hoặc 4 lần trong một bài viết gồm 500 từ. Nếu số lượng từ trong bài viết nhiều hơn, bạn có thể lặp lại cụm từ khóa nhiều lần hơn. Tuy nhiên, bạn phải duy trì tỷ lệ quanh mức 3%.

- Nhưng theo giáo trình SEO của Moz.com, mật độ từ khóa không phải là một phần trong thuật toán xếp hạng hiện đại.

- Họ chứng minh rằng nếu 2 tài liệu:

- Tiếp tục ví dụ trên, tài liệu D1 có 500 từ và sử dụng 5 lần cụm từ “cách SEO từ khóa” gồm có 4 từ, tức là bạn sử dụng tổng cộng 20 từ cho từ khóa. Vậy, mật độ từ khóa sẽ là 20/500x100=4%.

- Tài liệu D2 có 1000 từ và sử dụng 10 lần cụm từ “cách SEO từ khóa”, tổng cộng là 40 từ. Mật độ từ khóa sẽ là 40/1000x100=4%.

- Vậy, việc bạn sử dụng 5 lần cụm từ “cách SEO từ khóa” trong tài liệu D1 500 từ hoàn toàn giống với việc bạn sử dụng 10 lần cụm từ “cách SEO từ khóa” trong tài liệu D2 1000 từ. Rõ ràng, sẽ phù hợp hơn nếu không sử dụng khái niệm mật độ từ khóa.Bởi:

Một phân tích mật độ từ khóa không cho chúng ta biết gì về:

- Sự liên quan giữa từ khóa và tài liệu

- Tần số xuất hiện cụm từ

- Nội dung chính và các nội dung liên quan mà tài liệu đề cập.

Vậy có thể kết luận, mật độ từ khóa được tách rời nội dung, chất lượng, ngữ nghĩa và sự liên quan.

VI. TỐI ƯU HÓA CÁC TRANG (SEO ONPAGE)

- Sử dụng từ khóa mục tiêu vẫn là một phần quan trọng mà thuật toán xếp hạng của SE sử dụng.

- Chúng ta có thể tận dụng một số hiệu quả thực hành tốt nhất cho việc sử dụng từ khóa để giúp tạo ra các trang đã được tối ưu hóa.

1. MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA SEO MOZ

- Sử dụng từ khóa trong thẻ tiêu đề ít nhất một lần. Cố gắng giữ từ khóa ở đầu thẻ tiêu đề là tốt nhất. Ví dụ từ khóa tôi sử dụng là “SEO Website”, tôi sẽ đặt tiêu đề là “SEO Website – Những điều bạn cần biết”.
- Xuất hiện 1 lần ở phần đầu nội dung của trang
- Xuất hiện ít nhất 2- 3 lần (đã gồm cả biến thể của từ khóa) trong phần thân trang. Với các bài viết dài hơn, số lần xuất hiện từ khóa và biến thể của từ khóa đó sẽ nhiều hơn.
- Ví dụ như từ khóa “SEO Website”, các biến thể của nó hiểu theo cách đơn giản thì là các từ khóa có nghĩa tương tự hoặc liên quan đến từ khóa đó như "seo web, cách làm SEO, học cách làm SEO". Có ít nhất 2 lợi ích khi bạn sử dụng từ khóa và các biến thể của nó.

Giảm bớt tần suất lặp lại của từ khóa

Bạn chọn các biến thể của từ khóa “SEO Website” là seo web, cách làm, học cách làm SEO, thì khi bạn xếp hạng trang web ở các vị trí đầu với từ khóa “SEO Website”, nhiều khả năng thứ hạng của các biến thể từ khóa cũng lên theo và mang lại lưu lượng truy cập nhiều hơn cho trang web của bạn. Hoặc cũng có khi, bạn sử dụng từ khóa “SEO website” quá cao nên không thể xếp hạng được ở trang đầu của kết quả tìm kiếm. Nhưng các từ khóa phụ có độ cạnh tranh thấp hơn sẽ xuất hiện ở trang đầu của kết quả tìm kiếm.”

- Từ khóa xuất hiện ít nhất 1 lần trong thẻ <Alt> của hình ảnh được sử dụng trên trang đó. Nó không chỉ giúp SE hiểu được những hình ảnh đó đề cập nội dung gì, mà còn hữu ích khi người dùng sử dụng tìm kiếm bằng hình ảnh. Khả năng họ sẽ tìm thấy trang web của bạn cao hơn và mang lại lưu lượng truy cập nhiều hơn.
- Từ khóa xuất hiện một lần trong URL 

2. VÍ DỤ VỀ MỘT BÀI VIẾT ĐƯỢC TỐI ƯU HÓA CHO CỤM TỪ “HỌC LÀM SEO”

A. CÁCH VIẾT 1: 
- Bạn chỉ sử dụng từ khóa chính là "Cách SEO từ khóa"

+ TIÊU ĐỀ: Cách SEO từ khóa giúp tăng thứ hạng cho website

+ ĐƯỜNG DẪN(URL): tên_miền_của_bạn/cach-seo-tu-khoa-giup-tang-thu-hang-seo

+ THẺ H1:

 
Bạn đang tìm hiểu cách SEO từ khóa. Chào mừng các bạn đến với bài viết này. Giờ, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết cách giúp trang web của bạn dễ dàng xuất hiện ở những vị trí đầu tiên trên kết quả tìm kiếm.

+ PHẦN THÂN BÀI:

Bạn đã từng tạo một trang web nhưng cả mấy tháng nay, bạn hoàn toàn không thấy có một ai ghé thăm trang web của bạn. Bài viết của bạn rất hay, rất hữu ích.Và bạn tự hỏi bạn sai ở đâu và bạn cần sửa như thế nào? Dưới đây là các lỗi bạn mắc phải khi bắt đầu một trang web. 
… 

Bạn đã biết nguyên nhân khiến trang web của bạn không có ai truy cập dù bạn cho rằng nội dung rất hay. Giờ, bạn sẽ sử dụng những cách SEO từ khóa hiệu quả mà mình đã dùng để cải thiện tình hình hiện nay. 


Hy vọng rằng, sau khi đọc xong bài Cách SEO từ khóa sẽ giúp tăng thứ hạng cho Website của bạn. Chúc may mắn.

B. CÁCH VIẾT 2: 
Bạn sử dụng từ Cách SEO từ khóa làm từ khóa chính và sử dụng các biến thể của nó (các từ khóa phụ như: cách làm SEO, SEO Website). Khi đó bài viết sẽ được trình bày lại:

+ TIÊU ĐỀ: Cách SEO từ khóa giúp tăng thứ hạng cho website

+ ĐƯỜNG DẪN (URL): tên_miền_của_bạn/cach-seo-tu-khoa-giup-tang-thu-hang-seo (phần tiêu đề và đường dẫn phải sử dụng chính xác từ khóa).

+ THẺ H1:
 Bạn đang tìm hiểu cách làm SEO. Chào mừng các bạn đến với bài viết này. Giờ, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết cách giúp trang web của bạn dễ dàng xuất hiện ở những vị trí đầu tiên trên kết quả tìm kiếm.

+ PHẦN THÂN BÀI:

Bạn đã từng tạo một trang web nhưng cả mấy tháng nay, bạn hoàn toàn không thấy có một ai ghé thăm trang web của bạn. Bài viết của bạn rất hay, rất hữu ích.Và bạn tự hỏi bạn sai ở đâu và bạn cần sửa như thế nào? Dưới đây là các lỗi bạn mắc phải khi bắt đầu một trang web.


Bạn đã biết nguyên nhân khiến trang web của bạn không có ai truy cập dù bạn cho rằng nội dung rất hay. Giờ, bạn sẽ sử dụng những cách SEO Website hiệu quả mà mình đã dùng để cải thiện tình hình hiện nay.


Hy vọng sau khi đọc xong bài Cách SEO từ khóa giúp tăng thứ hạng cho Website của bạn. Chúc may mắn.

Như bạn thấy, trong cách 2, bạn sử dụng từ khóa chính và các từ khóa phụ khiến bài viết không lặp lại nhiều từ khóa chính. Tránh được vấn đề nhồi nhét từ khóa trong bài viết và mang lại cơ hội xếp hạng trên kết quả tìm kiếm cho các từ khóa phụ. 
Bài viết này chỉ là ví dụ cách bạn bố trí các từ khóa trong trang web dựa trên giáo trình cơ bản SEOMoz theo cách hiểu của tôi. Trong bài viết này, tôi chọn từ khóa chính là cách seo từ khóa và từ khóa phụ cách làm SEO, SEO Website không có nhiều sự tương đồng về mặt ngữ nghĩa. Bạn có thể chọn các cụm từ có nghĩa gần giống nhau hơn so với ví dụ này.

VII. THẺ TIÊU ĐỀ

- Tiêu đề của một trang cần phải ngắn gọn, súc tích, mô tả được nội dung của trang. Thẻ tiêu đề rất quan trọng cho quá trình trải nghiệm của người dùng cũng như cả trong việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.
- Những đề nghị giúp bạn tạo một thẻ tiêu đề tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm: 

1. QUAN TÂM ĐẾN ĐỘ DÀI THẺ TIÊU ĐỀ




- Công cụ tìm kiếm chỉ hiển thị 65- 75 ký tự đầu tiên trong thẻ tiêu đề. Nếu tiêu đề dài hơn 75 ký tự, chúng sẽ bị thay thế bằng dấu “…”. Ví dụ như khi bạn đặt một tiêu đề bài viết là: “Học cách làm SEO: 9 cách tốt nhất giúp bạn làm SEO Website hiệu quả và dễ dàng xếp hạng trên Google”. Tiêu đề này có độ dài 99 ký tự. Vì vậy, khi hiển thị trên kết quả tìm kiếm, nó sẽ chỉ hiển thị 75 ký tự đầu tiên và các ký tự sau được thay bằng dấu”…” như sau:”Học cách làm SEO: 9 cách tốt nhất giúp bạn làm SEO Website hiệu quả và dễ …”. Bạn nên rút gọn thẻ tiêu đề súc tích và mô tả ngắn gọn trang như: “Học cách làm SEO: 9 cách tốt nhất để SEO Website hiệu quả”. Với tiêu đề gồm 57 ký tự, nó sẽ được hiển thị hết trên kết quả tìm kiếm.

- Trong ví dụ trên, tôi chèn 2 từ khóa: từ khóa chính là “học cách làm SEO” và từ khóa phụ “SEO Website” vào phần tiêu đề. Từ khóa chính cố gắng để sắp xếp lên đầu và từ khóa phụ càng gần phần đầu của tiêu đề thì càng tốt.

- Tuy nhiên, nếu tiêu đề của bạn gồm cả từ khóa phụ là “xếp hạng trên Google” hoặc bạn cảm thấy nếu bạn cắt bớt phần tiêu đề như trên khiến người dùng cảm thấy khó hiểu, bạn có thể giữ sử dụng tiêu đề cũ. Tiêu đề ngắn hơn thì tốt hơn, tuy nhiên trong trường hợp bạn cần chèn thêm từ khóa vào tiêu đề hoặc bạn phải sử dụng tiêu đề dài đó thì người đọc mới có thể hiểu rõ được, bạn hãy giữ lại tiêu đề dài đó và sử dụng nó. 

2. ĐÒN BẨY XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU



- Moz.com thường thích sử dụng tên thương hiệu của họ (Moz) trong phần tiêu đề . Ví dụ trên trang chủ Moz.com, họ đưa thương hiệu của họ lên phần đầu của tiêu đề: “Moz: Inbound Marketing and SEO Software, Made Easy” . Với các trang hoặc các bài viết khác, họ sử dụng tên thương hiệu của họ để kết thúc một thẻ tiêu đề: “SEO: The Free Beginner’s Guide From Moz” hoặc “Learn SEO and Social Media – Moz”. Một số trang chính, họ sử dụng thương hiệu cả phần đầu và cuối của thẻ tiêu đề:” Moz Blog – SEO and Inbound Marketing Blog – Moz

- Việc sử dụng tên thương hiệu vào phần tiêu đề giúp nâng cao nhận thức thương hiệu của người dùng và đem lại tỷ lệ nhấp chuột cao hơn cho những người thích và quen sử dụng một thương hiệu. Ví dụ như bạn đã biết về Moz, một công ty SEO lớn và đã cung cấp các bài viết cũng như các kiến thức hữu ích về SEO cho bạn. Bạn rất thích đọc các bài viết của họ. Khi bạn tìm kiếm một bài viết về SEO, nếu bạn nhìn thấy bài viết của họ trên danh sách kết quả tìm kiếm với tiêu đề “Learn SEO and Social Media – Moz” . Dù nó có thể nằm ở vị trí thứ 4, thứ 5 trên kết quả tìm kiếm, bạn vẫn sẽ ưu tiên đọc bài viết đó. Đó là giá trị của việc đưa thương hiệu vào thẻ tiêu đề bài viết.

3. CÂN NHẮC KHẢ NĂNG ĐỌC VÀ TÁC ĐỘNG TỚI CẢM XÚC CỦA NGƯỜI ĐỌC

- Thẻ tiêu đề cần dễ đọc, mô tả vắn tắt và súc tích nội dung của trang. Một thẻ tiêu đề hấp dẫn sẽ giúp mang nhiều khách tới cho trang web của bạn. Vì vậy. điều quan trọng là không chỉ nghĩ tới việc tối ưu hóa tiêu đề cho công cụ tìm kiếm và sử dụng từ khóa trong phần tiêu đề, mà còn nghĩ tới trải nghiệm của người đọc. Các thẻ tiêu đề là sự tương tác đầu tiên giữa một người dùng mới với thương hiệu của bạn và bạn phải tìm cách gây ấn tượng theo nghĩa tích cực nhất với họ qua thẻ tiêu đề.

VIII. THẺ META

1. THẺ META ROBOTS

Thẻ Meta Robots có thể được dùng để kiểm soát hoạt động của nhện tìm kiếm trên cấp độ trang. Có một số cách sử dụng thẻ Meta Robots để kiểm soát công cụ tìm kiếm trên một trang.

- THUỘC TÍNH INDEX: Cho phép các công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu và lập chỉ mục trang này.
- THUỘC TÍNH NOINDEX: Ngược lại với Noindex, không cho phép các công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu và lập chỉ mục trang này.
- Mặc định, các công cụ tìm kiếm cho rằng chúng có thể lập chỉ mục tất cả các trang. Vì vậy, nếu bạn muốn công cụ tìm kiếm lập chỉ mục tất cả các trang, bạn không cần thiết phải lựa chọn thuộc tính “INDEX”, nhưng khi bạn không muốn công cụ lập chỉ mục một trang nào đó thì nhất thiết, bạn phải sử dụng thuộc tính “NOINDEX” cho trang đó.
- THUỘC TÍNH FOLLOW cho phép các công cụ tìm kiếm thu thập các liên kết được sử dụng trên trang.
- THUỘC TÍNH NOFOLLOW: ngược lại so với FOLLOW.
- Ví dụ về thẻ Meta Robots sử dụng trên một trang:
<META NAME="ROBOTS"CONTENT="NOINDEX, NOFOLLOW">
Trong ví dụ này, bạn không cho phép các công cụ tìm kiếm lập chỉ mục cho bài viết trên trang này và không thu thập các liên kết trên trang.
- THUỘC TÍNH NOARCHIVE được dùng để hạn chế các công cụ tìm kiếm lưu lại một bản sao của trang. Mặc định, các công cụ tìm kiếm sẽ giữ các bản sao. Và bạn có thể thấy được tất cả bản sao đó khi truy cập vào công cụ tìm kiếm thông qua các liên kết “lưu trữ” trên kết quả tìm kiếm.
- THUỘC TÍNH NOSNIPPET không cho công cụ tìm kiếm hiển thị một đoạn mô tả của văn bản bên cạnh tiêu đề trang và URL trong kết quả ìm kiếm.
- Dưới đây là một số thẻ Meta cơ bản và thường được dùng:

2. META DESCRIPTION



- Thẻ Meta Description được sử dụng để mô tả khái quát nội dung trên trang. Các công cụ tìm kiếm sẽ không sử dụng từ khóa trong thẻ này để xếp hạng trang web. Nhưng thẻ này quan trọng với người dùng khi họ nắm được chính xác nội dung mà trang đề cập đến. Bạn sử dụng thẻ này để mô tả nội dung trang hấp dẫn, thú vị, bạn sẽ thu hút được lượng khách lớn hơn tới trang web của bạn so với một thẻ Meta Description tẻ nhạt.

- Một thẻ Meta Description có độ dài tùy ý. Tuy nhiên, công cụ tìm kiếm sẽ cắt bớt các đoạn mô tả dài trên 160 ký tự và thay thế các ký tự sau bằng dấu “…”

- Nếu bạn không sử dụng thẻ Meta, công cụ tìm kiếm sẽ tự động lấy một đoạn của bài viết làm thẻ mô tả cho trang đó. Sử dụng tốt thẻ Meta là một chiến lược hợp lý để SEO Website của bạn.

3. CÁC THẺ META KHÔNG QUAN TRỌNG NHƯ META KEYWORDS, META, REFRESH REVISIT-AFTER, META CONTENT TYPE, …

IX- CẤU TRÚC MỘT URL

- Mỗi URL chứa địa chỉ đến một tài liệu cụ thể trên Web, nó quan trọng trong quá trình tìm kiếm và URL xuất hiện tại nhiều nơi quan trọng.

1. HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG URL

A. Đặt mình vào vị trí người dùng 
- Tưởng tượng rằng bạn là người dùng và họ đang tìm kiếm URL của bạn. Nếu bạn có thể dự đoán chính xác các nội dung mà bạn mong muốn tìm thấy trên trang web, URL được sử dụng như một mô tả khái quát nội dung trên trang của bạn.
B. Ngắn hơn thì tốt hơn
- Dù sử dụng URL để mô tả khái quát nội dung là quan trọng nhưng bạn cần cố gắng giảm thiểu độ dài của URL và số dấu gạch chéo “/” sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc sao chép và dán URL vào email, các bài viết trên Blog, tin nhắn, …Nói một cách khác, bạn sẽ dễ dàng chia sẻ với một URL ngắn hơn.
C. Sử dụng từ khóa đúng mức rất quan trọng (nhưng quá mức thì lại là nguy hiểm)

- Nếu trang web của bạn đang nhắm vào một từ khóa hoặc cụm từ khóa cụ thể. Hãy chắc chắn để từ khóa đó xuất hiện trong URL. Ví dụ như từ khóa của bạn là "SEO Website". Bạn có thể đặt tiêu đề là: "SEO Website: 9 cách hiệu quả bạn nên thử". Đồng thời, bạn có thể đặt URL là: tên_website/seo-website-9-cach-hieu-qua-ban-nen-thu.Tuy nhiên, không nên sử dụng quá nhiều lần từ khóa đó trong chỉ một URL.

- URL tốt nhất là URL chúng ta có thể đọc được mà không cần sử dụng quá nhiều tham số, số và ký hiệu. Sử dụng các công nghệ viết lại URL như mod_rewrite để chuyển đổi các URL động như: seo-la-gi-wikipedia.blogspot.com/blog?p=123 thành một URL tĩnh như: seo-la-gi-wikipedia.blogspot.com /blog/huong-dan-cach-seo-website.
Sử dụng dấu gạch ngang “-” để tách các riêng các từ trong URL

- Ví dụ bạn nhập URL là: seo-la-gi-wikipedia.blogspot.com/huong dan cach seo website. Giữa từng từ trong cụm từ “huong dan cach seo website” la dấu cách. Với một số ứng dụng Web, URL trên sẽ được chuyển là : seo-la-gi-wikipedia.blogspot.com/huong%20dan%20cach%20seo%20website( %20 hiển thị thay dấu cách). Với ứng dụng khác, lại là: seo-la-gi-wikipedia.blogspot.com/huong+dan+cach+seo+website. Vì vậy, bạn nên sử dụng dấu gạch ngang để hiển thị URL như sau: seo-la-gi-wikipedia.blogspot.com/huong-dan-cach-seo-website

X. TRÙNG LẶP NỘI DUNG

- Vấn đề trùng lặp nội dung là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất và gây ra nhiều phiền hà mà bất kỳ trang web nào cũng phải đối mặt. Trong vài năm qua. Công cụ tìm kiếm đã xử lý mạnh tay các trang web có nội dung “mỏng” ( các trang có ít nội dung) và các trang web bị trùng lặp nội dung thông qua các hình phạt và bị xếp hạng rất thấp trên kết quả tìm kiếm. Trùng lặp nội dung khi có hai hoặc nhiều bản sao của một bài viết xuất hiện trên các URL khác nhau.



- Trong hình ảnh trên, với 2 URL riêng biệt ("http://vandon.com.vn/vi/component/tags/tag/94-them-moi-trang-trong-wordpress" và "http://vandon.com.vn/vi/component/tags/tag/93-su-dung-cong-cu-pages"), đều hiển thị cùng 1 nội dung. Và đây là một lỗi trùng lặp nội dung. Điều này là rất phổ biến với các hệ thống quản trị nội dung hiện đại như CMS.

GIẢI QUYẾT


- Sử dụng chuyển hướng trực tiếp Redirect 301 để chuyển hướng trang bản sao tới trang gốc. Trong ví dụ trên, bạn chọn trang gốc có URL là "http://vandon.com.vn/vi/component/tags/tag/94-them-moi-trang-trong-wordpress". Bạn chuyển hướng URL của bản sao là "http://vandon.com.vn/vi/component/tags/tag/93-su-dung-cong-cu-pages" tới URL gốc trên. Khi người dùng nhấn vào URL bản sao, họ sẽ được chuyển tới URL bản gốc.

Một cách khác là bạn sử dụng thẻ Canonical URL. Cấu trúc thẻ như sau sẽ được sử dụng trên trang bản sao như sau:

<link rel=”canonical” href=”http://vandon.com.vn/vi/component/tags/tag/94-them-moi-trang-trong-wordpress”/>

Thẻ này nói với công cụ tìm kiếm rằng trang này chỉ là bản sao của trang gốc có đường dẫn là "http://vandon.com.vn/vi/component/tags/tag/94-them-moi-trang-trong-wordpress" như trên. 

XI- RICH SNIPPETS




- Kết quả sử dụng Rich Snippets sẽ mang lại nhiều thông tin hơn trên danh sách các kết quả tìm kiếm, khiến bài viết hoặc trang web đó trở nên nổi bật hơn. Trên hình ảnh là Rich Snippet hiển thị đánh giá ứng dụng đặt phòng của trang web Agoda trên IOS là 5 sao. Điều này cung cấp thêm thông tin cho người tìm kiếm rằng có thể ứng dụng này rất tốt. Ở dưới là Snippet chứa hình ảnh về tác giả của bài viết. Và có nhiều loại Rich Snippet khác mà tôi sẽ đề cập tới khi tôi tìm hiểu chi tiết cách sử dụng các Snippet và sẽ cập nhật tới các bạn. Giờ, tôi chỉ biết rằng Rich Snippet mang lại nhiều thông tin cho người tìm kiếm hơn việc hiển thị kết quả theo cách thông thường, từ đó sẽ mang lại nhiều lưu lượng truy cập tới trang web của bạn.

BÀI HỌC RÚT RA TỪ CHƯƠNG 4

Trong chương này, điều quan trọng nhất là giáo trình SEO của Moz.com đã hướng dẫn chi tiết cho tôi cách bố trí từ khóa trong một bài viết như thế nào cho hợp lý, từ cách viết thẻ tiêu đề, đặt URL ra sao cho dễ mô tả và dễ đọc,trình bày nội dung,...
Sau khi kết thúc phần này, chúng ta sẽ chuyển sang chương 5 cực kỳ quan trọng. Nội dung chương này đề cập đến là nghiên cứu và lựa chọn từ khóa cho trang web - một trong những yếu tố quyết định trang web của bạn có xuất hiện trên công cụ tìm kiếm không.

( Bài viết dựa trên giáo trình SEO cơ bản của Moz.com và đưa vào một số phân tích dựa trên những hiểu biết hiện tại của tôi. Do đây là những kiến thức tôi đang tìm hiểu nên có thể có những sai sót trong quá trình soạn bài. Rất mong nhận được sự góp ý từ các bạn để tôi có thể hoàn thiện bài viết này. Cảm ơn các bạn!)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét