22 thg 6, 2014

Chương 5: Nghiên cứu và lựa chọn từ khóa



- Bạn bắt đầu một trang web mà không nghiên cứu từ khóa cho lĩnh vực mà bạn đã chọn. Bạn chỉ đơn thuần đưa các hiểu biết của bạn lên trang web và hy vọng rằng trang web của bạn sẽ chiếm vị trí đầu tiên trên kết quả tìm kiếm. Điều đó thật mơ hồ và thật khó khăn để có thể xếp hạng cho trang web của bạn nếu bạn không lựa chọn các mục tiêu rõ ràng ngay từ khi bạn bắt đầu một trang web. Mục tiêu ở đây là các từ khóa, bạn chọn các từ khóa mà bạn muốn trang web của mình được xếp hạng. Việc đó giống như bạn làm một bài văn đã có một đề bài sẵn, dễ dàng hơn nhiều so với một bài văn viết không có một định hướng nào cả.
- Vậy nên, nghiên cứu từ khóa là một trong yếu tố quan trọng nhất, mang lại giá trị lớn trong lĩnh vực tiếp thị tìm kiếm. Bạn chọn đúng từ khóa cho trang web của mình, cơ hội trang web của bạn sẽ được xếp hạng sẽ cao. Tuy nhiên, nếu bạn chọn sai thì sao? Trang web của bạn sẽ thất bại ngay từ khi bắt đầu trong việc thu hút lưu lượng truy cập từ quá trình tìm kiếm. Nghiên cứu từ khóa không đơn thuần chỉ là tìm ra những từ, những cụm từ có độ cạnh tranh phù hợp với trang web của bạn, mà từ việc nghiên cứu từ khóa, bạn còn có thể hiểu thêm về khách hàng của bạn cũng như những gì họ đang tìm kiếm trong lĩnh vực bạn hướng tới. Khi nghiên cứu từ khóa, bạn có thể dự đoán được những thay đổi trong nhu cầu người dùng, ứng phó với tình huống thị trường thay đổi, sản xuất các sản phẩm và mang đến các dịch vụ được nhiều người tìm kiếm.

I. LÀM THẾ NÀO ĐÁNH GIÁ ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA MỘT TỪ KHÓA

- Làm thế nào để có thể đánh giá được một từ khóa là giá trị hay không với trang web của bạn? Từ các công cụ báo cáo thống kê tìm kiếm như Google Keyword Planner, chúng ta chỉ nắm được những cụm từ thường được người dùng tìm kiếm, số lượt tìm kiếm một tháng và giá CPC của cụm từ đó.
- Tuy nhiên, nó lại không hiển thị giá trị của từng từ khóa. Để hiểu được giá trị của từng từ khóa, chúng ta cần phải sử dụng công cụ nghiên cứu độ khó của từ khóa sử dụng công cụ SEO Moz. Ví dụ tôi đang làm về lĩnh vực SEO. Khi tôi bắt đầu một trang web, tôi cần tìm các từ khóa cho trang web của mình. Tôi có một tài khoản Google và bắt đầu sử dụng công cụ Keyword Planner để tìm kiếm ý tưởng từ khóa cho mình. Tôi nhập từ khóa “SEO” vào công cụ Keyword Planner:


Tôi đang tìm kiếm các từ khóa Tiếng Việt liên quan đến “SEO” được nhiều người tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm như Google Việt Nam và các đối tác tìm kiếm của họ tại Việt Nam. Sau khi đã nhập xong, tôi nhấn vào nút Lấy ý tưởng và xem kết quả Google trả lại.
Danh sách các nhóm từ khóa liên quan đến từ khóa SEO
- Trên đây là các nhóm ý tưởng liên quan đến SEO: "Cách SEO" với số lần tìm kiếm các từ khóa trong nhóm là 1.830 lần với độ cạnh tranh thấp và giá thầu 2.213 đ. Giờ tôi sẽ đi chi tiết những từ khóa trong nhóm "Cách SEO" là những từ khóa nào?
Danh sách các từ khóa trong nhóm "Cách SEO" liên quan đến từ khóa SEO
- Ồ, tôi đã có chi tiết các từ khóa trong danh sách các từ khóa nhóm "Cách SEO" ở trên. Chúng gồm từ khóa: "cách làm seo" với 210 lượt tìm kiếm và có độ cạnh tranh thấp, "cách seo từ khóa" với 260 lượt tìm kiếm và có độ cạnh tranh thấp, "cách SEO web" có 320 lượt tìm kiếm với độ cạnh tranh thấp, "cách SEO web hiệu quả" có 140 lượt tìm kiếm và có độ cạnh tranh trung bình. 
- Tuy nhiên, độ cạnh tranh thấp ở đây có nghĩa là độ cạnh tranh về mặt quảng cáo sử dụng từ khóa đó là thấp. Nhưng độ cạnh tranh để trang web bạn có thể xếp hạng trên kết quả tìm kiếm nếu bạn sử dụng từ khóa đó (còn gọi là độ khó của từ khóa) thì không được đề cập đến. Vì vậy, bạn sẽ cần phải sử dụng một công cụ của hãng thứ 3 để xác định độ khó của từ khóa.

- Trong nhiều trường hợp, độ cạnh tranh quảng cáo thấp thì độ cạnh tranh xếp hạng trên công cụ tìm kiếm cũng thấp và khả năng trang web của bạn sẽ được xếp hạng cao hơn nếu sử dụng từ khóa đó. Nhưng, có những trường hợp thì không phải vậy và tôi sẽ trình bày chi tiết ở phần tới.

- Tiếp tục vào phần ví dụ, tôi đang nghiên cứu 4 từ khóa: "cách làm seo" với 210 lượt tìm kiếm và có độ cạnh tranh thấp, "cách seo từ khóa" với 260 lượt tìm kiếm và có độ cạnh tranh thấp, "cách SEO web" có 320 lượt tìm kiếm với độ cạnh tranh thấp, "cách SEO web hiệu quả" có 140 lượt tìm kiếm và có độ cạnh tranh trung bình. Tôi cần kiểm tra độ khó của từ khóa hay khả năng được xếp hạng với từ khóa đó bằng công cụ SEO Moz:
Sử dụng công cụ Keyword Analysis của Moz để xác định độ khó các từ khóa trên
- SEO Moz xác định độ khó từ khóa "cách làm SEO" là 28%, "cách SEO từ khóa" là 27%, "cách SEO Web" là 29% và "cách SEO Web hiệu quả" là 19%. Điều đó có nghĩa là nếu tôi nhắm tới từ khóa "cách SEO Web hiệu quả", tôi sẽ dễ được xếp hạng cao trên danh sách kết quả tìm kiếm hơn là tôi sử dụng từ khóa "cách SEO Web" với độ khó 29% cho trang web của mình.

- Những từ khóa có độ khó dưới 30% ở trên là những từ khóa có độ khó thấp. Bạn có thể chọn chúng cho trang web mới của mình và dễ xếp hạng cao với các từ khóa đó hơn là khi bạn sử dụng các từ khóa có độ khó trên 30%. Độ khó từ khóa càng thấp thì chứng tỏ các đối thủ đang giữ các vị trí đầu trên danh sách kết quả tìm kiếm với từ khóa đó không mạnh và cơ hội bạn đánh bật họ ra khỏi vị trí đầu là lớn hơn so với bạn sử dụng các từ khóa có độ khó cao hơn. Độ khó từ khóa càng cao, nghĩa là bạn có càng nhiều đối thủ mạnh và càng khó để đánh bật họ trên danh sách các kết quả tìm kiếm với từ khóa đó.

- Trong ví dụ trên, độ cạnh tranh quảng cáo tỷ lệ thuận với độ khó từ khóa, nghĩa là độ cạnh tranh quảng cáo thấp tương ứng với độ khó thấp và ngược lại. Tuy nhiên, có một ngoại lệ, từ khóa cách SEO Web hiệu quả được Google xác định là có độ cạnh tranh quảng cáo trung bình, nhưng độ khó từ khóa lại là thấp nhất trong các từ khóa ở trên.

- Một ví dụ nữa sẽ cho các bạn thấy rõ hơn sự khác biệt giữa độ cạnh tranh quảng cáo và độ khó của từ khóa. Như trong bài viết Học cách làm SEO Website: 4 lỗi đầu tiên của tôi, tôi đã đề cập đến câu chuyện khi bắt đầu một website. Tôi sử dụng Google Keyword Planner lựa chọn từ khóa có nhiều người tìm kiếm với độ cạnh tranh thấp là "Wordpress tutorial".
Sử dụng Google Keyword Planner, tôi biết được hiện có 9.900 lượt tìm kiếm từ khóa "Wordpress tutorial"
- Tôi đọc một số tài liệu và biết được là nên lựa chọn những từ khóa có độ cạnh tranh thấp thì khả năng xếp hạng với từ khóa đó sẽ cao. Và đây rồi. Wordpress tutorial có tới 9.900 lượt tìm kiếm một tháng và có độ cạnh tranh thấp. Thật tuyệt nếu tôi chọn từ khóa đó làm từ khóa chính cho trang web của mình. Nhưng sự thật có phải vậy? 
- Tôi đã chờ trong gần 2 tháng trời, trang web sử dụng từ khóa “Wordpress tutorial” hoàn toàn không xuất hiện trên top 500+ kết quả tìm kiếm của Google. Có duy nhất một lần, trang web của tôi được xếp hạng 150 và sau đó lại biệt tăm. Tôi tìm hiểu trên mạng và biết đến công cụ SEO Moz PRO. Tôi kiểm tra và đây là kết quả:



- Trời, từ khóa đó có độ khó 79%. Đó là từ khóa có độ khó cao, đồng nghĩa với việc có rất nhiều đối thủ mạnh đang xếp trên đầu kết quả tìm kiếm với những từ khóa đó. Tôi sẽ xem họ là ai?
Chỉ số DA và PA của các trang đang xếp 10 vị trí đầu tiên với từ khóa "Wordpress tutorial"
Và họ là...
- Các trang trên là những trang web lớn và khá mạnh với các chỉ số Page Authority – PA từ 57,5 đến 87,5 và Domain Authority – DA từ 49,2 đến 100. Tôi cũng chỉ biết lơ mơ rằng PA là chỉ số tin cậy của trang và DA là chỉ số tin cậy của tên miền. PA và DA là một trong các thước đo về độ tin cậy của các trang web. Ngoài ra còn có TF, CF nữa nhưng tôi chưa tìm hiểu về chúng nên tôi sẽ không đề cập chúng trong bài này.

Còn chỉ số PA và DA trên trang web của tôi thì sao?



- Chỉ số PA và DA trên trang chủ của tôi lần lượt là 34 và 21. Tại sao tôi nói là trang chủ. Vì với từng trang khác nhau, chỉ số DA là giống nhau, nhưng chỉ số PA lại khác nhau do PA là chỉ số tin cậy của từng trang. Trang chủ hiện tại của tôi có PA là 34. Nhưng các trang khác, do không có hoặc có ít liên kết trỏ đến nên chỉ số PA chỉ là 18 và chỉ số DA vẫn là 21.

- Vậy tôi với PA = 34 và DA = 21, liệu có thể cạnh tranh nổi với các trang có các chỉ số cao ít nhất gấp đôi cùng một số lượng lớn backlink trỏ đến không? May mắn tôi có thể trang web của tôi có thể xuất hiện trên vị trí 11 ( trang thứ 2 trên kết quả tìm kiếm), nhưng liệu tôi có thể xuất hiện ở trang đầu không? Bởi vì việc xuất hiện ở trang đầu rất quan trọng. Việc xuất hiện ở trang đầu và vị trí đầu sẽ đem đến lượng khách truy cập lớn. Nhưng nếu bạn ở trang thứ 2, số khách truy cập sẽ ít hơn rất nhiều hoặc có thể không có. Và nếu mãi mãi bạn chỉ đứng thứ 11, bạn sẽ không bao giờ nhận được nhiều lưu lượng truy cập từ tìm kiếm. Tôi có nên tiếp tục hay từ bỏ từ khóa này? Hiện tại tôi không chắc chắn về điều đó. Bởi vì nếu từ bỏ từ khóa "Wordpress tutorial", tôi sẽ phải bỏ cả danh mục Wordpress tutorial như hình trên và thay thế bằng từ khóa khác. Khi tôi tiến hành thay tên và đường dẫn cho danh mục Wordpress tutorial sẽ kéo theo nhiều vấn đề bạn cần phải giải quyết. Đó chính là lý do mà bạn cần lựa chọn chắc chắn từ khóa trước khi bắt đầu để tránh mất thời gian giải quyết các phiền phức khi bạn thay đổi từ khóa. 
Và, tôi rút được một bài học cho bản thân rằng chọn từ khóa đúng là cực kỳ quan trọng, nó giúp bạn định hướng trong việc xây dựng website của mình và một khi đã lựa chọn, bạn phải giữ nó tới cùng.
Vậy, tôi sẽ giữ từ khóa "Wordpress tutorial" trong trường hợp này. Tôi không chắc. Tôi chỉ chắc chắn điều, nếu tôi muốn sử dụng từ khóa đó, tôi cần biết chính xác làm cách nào trang web wp101.com có thể đứng ở vị trí thứ 9 với PA là 57,5 và DA là 49,2. Nó xếp trên bài viết về Wordpress tutorial của  trang lynda.com với đường dẫn lynda.com/Wordpress-training-tutorials/330-0.html có PA là 72,9, DA là 88,4.



- CÁC GIẢ THIẾT CÓ THỂ TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY:  
1. Giả thiết 1: 
- Trang wp101.com sử dụng tiêu đề trang chủ là “WP101 Premium Wordpress Tutorial Videos-…”. Điều này nói rằng tất cả nội dung trên trang WP101 sẽ đưa ra các Video trog lĩnh vực “Wordpress tutorial”. Và trang Lynda.com sử dụng tiêu đề trang chủ là“Online video tutorials and training| Linda” – cung cấp các video trực tuyến nhằm hướng dẫn mọi người, họ chỉ đề cập đến “Wordpress tutorial” như một phần nội dung trong trang web của họ. Vậy, việc Google chọn trang web wp101.com xếp trên trang Lynda.com cũng giống như việc bạn sẽ ưu tiên chọn sửa tủ lạnh của một ông thợ chuyên sửa tủ lạnh thay vì nhờ một ông thợ chuyên sửa đồ điện. 
2. Giả thiết 2 ( tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng hơn)
- Đó là số backlink trỏ tới trang chủ wp101.com chứa từ khóa "Wordpress tutorial" là 2.220 liên kết tới từ 267 tên website. Trong khi đó, số backlink trỏ tới bài viết "Wordpress tutorial" của trang Lynda với đường dẫn lynda.com/Wordpress-training-tutorials/330-0.html chỉ có 291 liên kết trỏ tới từ 130 website.
2.220 backlink trỏ tới trang wp101.com lớn hơn rất nhiều so với 291 backlink trỏ tới bài viết về Wordpress tutorial của trang Lynda.com
- Có thể giả thiết 1 hoặc giả thiết 2 đúng hoặc cả 2 đúng hoặc cả 2 sai. Tôi không chắc. Nhưng nếu tôi muốn xếp trên họ. Tôi sẽ cần phải thử đặt số lượng backlink lớn hơn của trang wp101.com là 2.220 và nâng cao chỉ số DA và PA hiện tại, tối ưu từ khóa "Wordpress tutorial" trên trang web của tôi thì may ra mới có khả năng cạnh tranh vị trí thứ 9. Và nếu tôi muốn lên cao hơn. Chắc chắn tôi sẽ phải cố gắng hơn. Trước mắt, thứ 9 là một mục tiêu khó nhằn và tôi sẽ thử xem sao.
- Quay trở lại với giáo trình SEO Moz về nghiên cứu từ khóa, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu. 

A. QUÁ TRÌNH XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ CỦA MỘT TỪ KHÓA

+ HÃY TỰ HỎI MÌNH

- Từ khóa bạn tìm thấy có liên quan đến nội dung trang web của bạn? Người dùng sẽ tìm thấy những gì họ cần tìm trên trang web của bạn kho họ sử dụng các từ khóa này để tìm kiếm không? Bạn có thể mang đến cho họ những thông tin hữu ích cho những gì họ đang tìm kiếm? Nếu câu trả lời là có, bạn có thể lựa chọn từ khóa này cho trang web của mình. 

+ TÌM KIẾM CÁC CỤM TỪ TRONG CÔNG CỤ TÌM KIẾM CHÍNH

Tìm hiểu về các trang web đã được xếp hạng trên kết quả tìm kiếm với từ khóa mà bạn chọn sẽ đem lại cái nhìn sâu sắc và rất có giá trị khi bạn cạnh tranh thứ hạng với họ. Đồng thời, hiểu rõ về họ để bạn có thể lường trước được những khó khăn khi bạn muốn xếp hạng từ khóa đó trên danh sách kết quả tìm kiếm. 
- Trong ví dụ trên, việc tìm hiểu các trang web đang giữ các vị trí đầu cho danh sách "Wordpress tutorial" cho tôi biết được rằng nếu muốn xếp hạng trang web của mình với từ khóa đó, tôi sẽ gặp khó khăn như thế nào khi phải đánh bật một loạt các đối thủ nặng ký. Và rằng, hiện tại tôi sẽ cần ít nhất hơn 2.220 liên kết đến trang web của mình, đồng thời tối ưu trang web cho từ khóa "Wordpress tutorial" thì may ra, tôi mới có thể đạt được vị trí thứ 9 hoặc ít nhất cũng cải thiện được vị trí trên Bảng xếp hạng của tôi ( Hiện tại, trang web vandon.com.vn với từ khóa "Wordpress tutorial" đang mất tích trên bảng xếp hạng).

- Thông thường, một từ khóa được nhiều người tìm kiếm là một từ khóa có giá trị cao. Với những từ khóa mà phía trên hiển thị nhiều quảng cáo thì từ khóa đó thường có sức hấp dẫn cao và dễ chuyển đổi ( tức là khả năng lớn người dùng đến trang web của bạn bằng cách nhấp chuột trên quảng cáo và họ mua sản phẩm/ dịch vụ bạn cung cấp trên trang web).



- Lợi ích này sẽ thấy rõ ràng hơn nếu bạn làm đại lý nhỏ với sản phẩm là phần mềm kế toán và bạn có trang web giới thiệu về phần mềm kế toán đó với từ khóa mục tiêu là "phan mem ke toan". Bạn cần xác định giá trị từ khóa đó sẽ mang lại cho bạn. 
- Giả sử khi bán mỗi sản phẩm với giá 3.000.000đ/ 1 sản phẩm, bạn sẽ thu lời 300.000đ. 
- Sử dụng quảng cáo trên Google Adwords, bạn thấy rằng với 5000 lượt hiển thị quảng cáo trong 1 ngày, bạn có 100 lượt người nhấp chuột (tương ứng với 2%) trên quảng cáo tới trang web của bạn và 3 người trong số đó sẽ sản phẩm của bạn và mang đến cho bạn lợi nhuận 3x 300.000= 900.000đ. Vậy, nếu tính trung bình, một người đến trang web của bạn sẽ mang lại cho bạn lợi nhuận là: 900.000đ/100 người=9.000đ. 
- Giờ, nếu không phải hiển thị trên quảng cáo mà giả sử, bạn đã thành công trong việc xếp hạng trang web và trang web của bạn đã chiếm được vị trí thứ 1 với từ khóa “phan mem ke toan” trên danh sách kết quả tìm kiếm. Với 5.000 lượt tìm kiếm từ khóa “phan mem ke toan ”một ngày, không phải chỉ có 100 lượt nhấp chuột đến trang web của bạn. Theo SlingShot, tỷ lệ nhấp chuột trên vào vị trí đầu tiên trên danh sách kết quả tìm kiếm là từ 18- 36% tương ứng với từ 900 – 1800 nhấp chuột tới trang web của bạn thông qua tìm kiếm. Với tính toán ở trên, cứ một lượt nhấp chuột đến trang web của bạn sẽ mang lại trung bình cho bạn là 9.000đ/ lượt thì với 900- 1800 lượt nhấp chuột, bạn sẽ có khả năng thu được số tiền: 8.100.000đ- 16. 200.000đ chỉ trong một ngày dù bạn chỉ là một đại lý nhỏ. Ồ, vậy từ khóa “phan mem ke toan” thực sự là giá trị đó chứ. Không phải ngẫu nhiên lại có nhiều công ty đặt quảng cáo với từ khóa “phan mem ke toan” đến vậy.

II- TÌM HIỂU VỀ TỪ KHÓA DÀI


- Như ở ví dụ trên, từ khóa “phan mem ke toan” gồm có 4 từ được gọi là một từ khóa dài. Khác với từ khóa ngắn như “phan mem” hoặc “ke toan”, từ khóa đuôi dài như “phan mem ke toan” sẽ chiếm 70% trong tổng số các từ khóa được sử dụng tìm kiếm và 30% tìm kiếm dành cho các từ khóa ngắn. Nói một cách dễ hiểu hơn trong trường hợp này thì cứ 3 người nhập vào công cụ tìm kiếm sẽ có 2 người nhập vào từ khóa dài “phan mem ke toan”, chỉ có một người nhập vào “phan mem” hoặc “ke toan”. Các từ khóa dài chiếm đa số về nhu cầu tìm kiếm thông tin qua công cụ tìm kiếm. Một từ khóa dài hơn như “phan mem ke toan” sẽ có khả năng chuyển đổi tốt hơn một từ khóa ngắn “ke toan”. Khi họ gõ “ke toan”, họ có thể đang tìm hiểu các kiến thức về kế toán, cập nhật thông tin mới về lĩnh vực kế toán,…. Nhưng khi họ gõ “phan mem ke toan”, khả năng lớn là họ đang tìm phần mềm kế toán phục vụ cho công việc của mình và khả năng họ mua sản phẩm là rất lớn.

Vậy, nếu chọn các từ khóa, bạn nên nhắm tới các từ khóa dài cho trang web của mình.

III. CÔNG CỤ NGHIÊN CỨU TỪ KHÓA

- Các công cụ nghiên cứu từ khóa như:
1. Công cụ Keyword Tool của Google Adwords (adwords.google.com)
2. Công cụ Google Trends (google.com/trends)
3. Công cụ Bing Ads Intelligence của Microsoft (advertise.bingads.microsoft.com/en-us/bing-ads-intelligence)
4. Công cụ tìm kiếm từ khóa của Wordtracker (freekeywords.wordtracker.com/)
5. Keyword Eye (keywordeye.co.uk)
6. Keyword Spy (keywordspy.com)
7. SEMRush (semrush.com)

- Và rất nhiều các trang cung cấp công cụ nghiên cứu từ khóa khác nếu bạn gõ “Research Keywords” vào Google Search.

- Trong tất cả các công cụ trên, công cụ bạn nên dùng trước nhất là công cụ nghiên cứu từ khóa của Google. Bởi Google đang thống trị lĩnh vực tìm kiếm nên các số liệu thống kê của họ sát với thực tế hơn và do đó, bạn có thể nắm được xu hướng người dùng tìm kiếm một cách chính xác hơn. 
- Sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa của Google Adwords, bạn không chỉ nắm ước tính được số lượng tìm kiếm chính xác từ khóa trong tháng, bạn còn nắm được giá tài trợ cho từng từ khóa. 
- Nếu từ khóa đó được Google ước tính có 1000 lượt truy cập. Nếu bạn xếp ở vị trí số 1 với từ khóa đó, bạn sẽ có khả năng nhận được khoảng 180 lượt truy cập từ kết quả tìm kiếm, nếu ở vị trí số 2 là 120 lượt, vị trí số 3 là 80 lượt. Số lượt truy cập đến trang web của bạn sẽ thấp hơn nhiều so với số liệu Google ước tính. 
- Tuy nhiên, nếu được bạn nên kết hợp công cụ tìm kiếm với 1 hoặc 2 công cụ khác trước khi quyết định có nên sử dụng từ khóa đó cho trang web của bạn không. Google Adwords cung cấp cho bạn số lượt tìm kiếm từ khóa đó trong một tháng, nhưng nếu muốn xem xét khả năng bạn có thể xếp hạng cao với các từ khóa đó, bạn sẽ cần phải sử dụng công cụ xét độ khó của từ khóa. 

IV. ĐỘ KHÓ CỦA TỪ KHÓA 

- Biết được độ khó của từ khóa, bạn sẽ biết được cơ hội thành công của bạn nếu sử dụng từ khóa đó. Nếu các vị trí đầu đã được các thương hiệu lớn chiếm giữ và trang web của bạn là trang web mới thì thực sự rất khó khăn để bạn có thể cạnh tranh với họ như trường hợp tôi đang gặp ở trên với từ khóa Wordpress tutorial. Nhờ Google Adwords, tôi biết được có khoảng 9.900 lượt tìm kiếm từ khóa Wordpress tutorial, và sử dụng công cụ SEO Moz, tôi biết được từ khóa đó có độ khó 79% - một từ khóa có độ khó cao với các đối thủ thực sự nặng ký đã chiếm giữ hết 10 vị trí đầu bảng xếp hạng với từ khóa đó. Nhờ đó, tôi hiểu được nếu tôi muốn xếp hạng trang web của mình trong Top 10 sẽ khó khăn đến nhường nào.

BÀI HỌC RÚT RA TỪ CHƯƠNG 5


- Nghiên cứu từ khóa là cực kỳ quan trọng với các trang web, đặc biệt là các trang web mới. Từ khóa chính là chủ đề chính trên trang web của bạn và các từ khóa phụ là các chủ đề liên quan tới chủ đề chính mà bạn đề cập. Nếu thiếu các từ khóa, bạn khó có thể định hướng chính xác được trang web của mình sẽ phát triển như thế nào và càng khó khăn hơn khi bạn muốn xếp hạng trên trang web với các từ khóa mà chính bạn cũng không biết đó là những từ khóa nào. Chọn cho mình các từ khóa, xây dựng nội dung quanh các từ khóa đó với một chiến lược xây dựng các backlink và sử dụng mạng xã hội thu hút khách tới trang web của bạn sẽ là một chiến lược thông minh trong thời điểm này. 
- Để chọn một từ khóa, bạn cần kết hợp: 
TỪ KHÓA ĐƯỢC CHỌN = CÓ NHIỀU NGƯỜI TÌM KIẾM + ĐỘ KHÓ THẤP (TRUNG BÌNH) - - Sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa của Google Adwords để tìm ý tưởng các từ khóa liên quan đến lĩnh vực của bạn và tìm các từ khóa được nhiều người tìm kiếm. Dùng một công cụ SEO bạn tin tưởng để đo độ khó của từ khóa. Nên chọn từ khóa thấp hoặc trung bình cho trang web của bạn, trừ khi bạn có một chiến lược xây dựng trang web sử dụng từ khóa, chất lượng nội dung, backlink có thể đánh bật đối thủ cạnh tranh của bạn trên Bảng xếp hạng kết quả tìm kiếm.
- Tìm hiểu kỹ các đối thủ đang chiếm giữ các vị trí đầu với từ khóa mà bạn đang nhắm tới là rất quan trọng để bạn có thể vạch ra các chiến lược phù hợp để có thể chiếm vị trí đầu cho trang web của bạn
( Bài viết dựa trên giáo trình SEO cơ bản của Moz.com và đưa vào một số phân tích dựa trên những hiểu biết hiện tại của tôi. Do đây là những kiến thức tôi đang tìm hiểu nên có thể có những sai sót trong quá trình soạn bài. Rất mong nhận được sự góp ý từ các bạn để tôi có thể hoàn thiện bài viết này. Cảm ơn các bạn!)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét